Giới thiệu

Ung thư và điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nam giới. Vì vậy, bảo tồn khả năng sinh sản ở bệnh nhân nam bị ung thư là một khía cạnh quan trọng trong quản lý bệnh nhân ung thư. Trong một khảo sát 904 nam bệnh nhân bị ung thư, có 70% nam giới trẻ tuổi còn sống sau điều trị ung thư mong muốn có con, tuy nhiên chỉ có 24% có trữ tinh trùng để bảo tồn khả năng sinh sản của mình.

Nguyên nhân chính được cho là bệnh nhân nam ung thư thiếu thông tin về bảo tồn khả năng sinh sản để hy vọng có con sau các liệu trình điều trị. Những tác động của ung thư và điều trị ung thư lên khả năng sinh sản, qui trình thực hiện bảo tồn khả năng sinh sản và các phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản sẽ được thảo luận trong bài viết này.

               Trữ tinh trùng trước điều trị là lựa chọn tối ưu bảo tồn khả năng sinh sản ở bệnh nhân ung thư

Ảnh hưởng của ung thư và điều trị ung thư lên khả năng sinh sản nam giới

Có nhiều nguyên nhân của ung thư và điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới như khối u có thể chèn ép vào cơ quan sinh sản như ung thư tinh hoàn và các vùng lân cận. Bên cạnh đó, một số khối u ở não làm rối loạn quá trình sản xuất và tiết một số hormone điều hòa quá trình sinh tinh. Trong khi đó, tinh hoàn không thể sản xuất hoặc sản xuất rất ít tinh trùng do cơ quan sinh sản bị ảnh hưởng bởi quá trình xạ trị hay hóa trị hay do vấn đề sức khỏe chung hay rối loạn xuất tinh do ung thư và điều trị ung thư

Các chỉ số của tinh dịch đồ như tổng số tinh trùng, mật độ, độ di động thấp hơn ngưỡng bình thường ở một số loại ung thư như ung thư tinh hoàn, lymphoma Hodgkin. Trong khi một số loại ung thư khác lại không cho thấy sự khác biệt về các chỉ số tinh dịch đồ trước điều trị ung thư so với nam giới bình thường. Tuy nhiên khi nam bệnh nhân ung thư bước vào các liệu trình điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị miễn dịch hay điều trị hướng trúng đích, hệ sinh sinh sản sẽ bị ảnh hưởng tùy thuộc vào loại thuốc được điều trị, thời gian điều trị, liều điều trị tổng cộng, tuổi của bệnh nhân.

Quá trình sinh tinh và các chỉ số tinh dịch đồ sẽ được dự đoán trở về bình thường 50% sau 2 năm và 85% sau 5 năm điều trị ung thư. Tuy nhiên có khoảng 15-30% bệnh nhân sau điều trị ung thư sẽ không có khả năng phục hồi khả năng sinh sản vĩnh viễn. Và các chỉ số để tiên lượng liệu rằng nam giới điều trị ung thư như thế nào sẽ mất khả năng sinh sản vĩnh viễn hiện tại chưa rõ. Vì vậy, bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư nên được cân nhắc ở những trường hợp nguyện vọng muốn có con sau này.

Đối với những trường hợp hóa trị, hầu hết bệnh nhân sẽ có tình trạng vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch đồ) trong vòng 12 tuần tính từ thời điểm hoàn thành liệu trình điều trị. Hóa trị liệu cũng gây độc đến hệ sinh sản, và thường gây vô tinh. Trong những phác đồ phối hợp xạ trị và hóa trị liệu thì tác hại gây ra vô sinh càng mạnh. Quá trình phẫu thuật trong điều trị ung thư như cắt bỏ hạch lynmpho sau phúc mạc cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản do gây ra xuất tinh ngược dòng hay không xuất tinh được ở nam giới bị ung thư.

Quá trình trữ mẫu tinh trùng

Số lượng mẫu trữ phụ thuộc vào chất lượng tinh trùng của người chồng và các yếu tố tiên lượng của vợ. Chất lượng tinh trùng của chồng phụ thuộc vào sức khỏe chung và loại ung thư mắc phải. Yếu tố tiên lượng của vợ bao gồm tuổi, tiền sử sản phụ khoa, dự trữ buồng trứng, các bệnh lý phụ khoa kèm theo. Bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện cả 2 vợ chồng để quyết định số lượng mẫu trữ.

Trong một số trường hợp bệnh nhân không tự lấy mẫu trữ dược do vấn đề về tâm lý hay khối u chèn ép gây không có tinh trùng trong mẫu tinh dịch thì phẫu thuật trích tinh trùng được lựa chọn để hỗ trợ. Mẫu tinh trùng sẽ được lấy từ mào tinh hay mô tinh hoàn thông qua quá trình phẫu thuật. Những trường này, mẫu tinh trùng sẽ được dùng với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn trong thụ tinh trong ống nghiệm

Thời gian lưu trữ có thể kéo dài đến khi hai vợ chồng nguyện vọng muốn sử dụng mẫu tinh trùng để có con. Một báo cáo mẫu tinh trùng được đông lạnh có thể dùng để tạo phôi và có trẻ sinh sống sau khi trữ đông 21 năm. Tuy nhiên bệnh nhân sẽ được khuyến khích sử dụng mẫu tinh trùng càng sớm càng tốt để giảm thiểu không gian và chi phí trữ mẫu.

Hỗ trợ sinh sản sau khi kết thúc liệu trình điều trị ung thư

Một số nghiên cứu cho thấy rằng chỉ có 5-10% bệnh nhân đã trữ tinh trùng quay trở lại để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với mẫu tinh trùng đã trữ. Một số lý do có thể giải thích cho tỉ lệ này có thể là quá trình sinh tinh trở lại bình thường sau khi hóa trị, bệnh nhân đã qua đời sau khi điều trị, căng thẳng về tài chính, không còn nguyện vọng có thêm con hoặc bệnh nhân không biết tiên lượng lâu dài của việc điều trị ung thư.

Những trường hợp có sự hồi phục quá trình sinh tinh sau khi điều trị ung thư thì việc lựa chọn có con bằng mẫu tinh trùng trữ trước điều trị hay dùng tinh trùng sau điều trị ung thư luôn được bệnh nhân quan tâm. Quá trình điều trị ung thư, đặc biệt là xạ trị có thể ảnh hưởng đến cấu trúc di truyền của những tế bào phân chia nhanh trong cơ thể và tế bào sinh tinh cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình điều trị ung thư. Thời gian ảnh hưởng tùy thuộc loại ung thư và phác đồ điều trị, nên câu trả lời cho việc khi nào tinh trùng trở về bình thường mà không bị đột biến bởi quá trình điều trị rất khó để trả lời. Có nhiều khuyến cáo nên chờ đợi từ 18 – 24 tháng sau khi điều trị ung thư để bắt đầu kế hoạch có con. Trong trường hợp vô tinh thoáng qua hay quá trình điều trị ung thư chỉ ảnh hưởng đến giai đoạn cuối của quá trình sinh tinh thì thời gian trì hoãn để có con có thể là 1 năm với mẫu tinh trùng sau điều trị ung thư. Tuy nhiên vẫn có trường hợp cấu trúc nhiễm sắc thể hay DNA của tinh trùng bị ảnh hưởng sau 18 năm điều trị ung thư. Với những trường hợp này có thể kết hợp xét nghiệm tiền làm tổ để có thể loại trừ những bất thường di truyền cho thế hệ sau. Vậy nên nếu bệnh nhân đã có mẫu tinh trùng trữ trước khi điều trị ung thư thì nên dùng mẫu trữ này để hạn chế tối đa ảnh hưởng của việc điều trị ung thư lên vật liệu di truyền của tinh trùng. Trong trường hợp không có mẫu tinh trùng đã trữ, bệnh nhân có thể dùng mẫu tinh trùng sau điều trị ung thư nhưng nên được sự tư vấn chi tiết từ bác sĩ.

Phương thức hỗ trợ sinh sản có thể là gây phóng noãn kết hợp lọc rửa bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tùy thuộc vào chất lượng mẫu tinh trùng, tình trạng vợ kèm theo và nguyện vọng của 2 vợ chồng.

Kết luận

Với những tiến bộ của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì biến chứng vô sinh do ung thư và điều trị ung thư ở nam giới có thể được hỗ trợ triệt để. Nam bệnh nhân nên được tư vấn về bảo tồn khả năng sinh sản trước khi bước vào các liệu trình điều trị ung thư, để đảm bảo rằng nguyện vọng có con sau khi kết thúc điều trị ung thư có thể được đảm bảo thực hiện.

Tài liệu tham khảo

  1. Nangia AK, Krieg SA, Kim SS. Clinical guidelines for sperm cryopreservation in cancer patients. Fertility and Sterility, vol 100, no 5, 2013, pp 1203-1209.
  2. Sasikala N. Cryopreservation of Human Semen. In Male Infertility: A Clinical Approach. 1st ed. India. Springer, 2017, pp 222-225.
  3. Gupta S, Sekhon LH, Agarwal A. Sperm Banking: Why, When and How ? In Male Infertility: Problems and Solution. 1st ed. New York. Humana, 2011, pp 108-110.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *