Một số bệnh nhân hay thắc mắc sau chuyển phôi khoảng một tuần có hiện tượng ra huyết âm đạo. Bài viết sau sẽ làm rõ hiện tượng này sau chuyển phôi
Nguyên nhân
Vào khoảng ngày thứ 7 sau khi thụ tinh, quá trình làm tổ của phôi sẽ diến ra, với 3 giai đoạn chính: (1) phôi nang cố định vào vị trí làm tổ của nội mạc tử cung; (2) tế bào lá nuôi bám vào nội mạc tử cung; (3) tế nào lá nuôi phát triển xâm lấn vào bên trong mô đệm của biểu mô nội mạc tử cung. Và chính trong giai đoạn 3 của sự làm tổ, một số tế bào lá nuôi xâm lấn và phá hủy các mao mạch của nội mạc tử cung, do đó có thể gây nên hiện tượng xuất huyết âm đạo khi phôi làm tổ.
Thời gian và đặc điểm
Thời gian xuất hiện chấm xuất huyết do phôi làm tổ có thể bắt đầu từ ngày 9 đến 11 ngày sau khi có sự thụ tinh của trứng và tinh trùng (sau 6-8 ngày sau chuyển phôi ngày 3, và 4-6 ngày sau chuyển phôi ngày 5). Do đó, chấm xuất huyết sau khi phôi làm tổ thường xuất hiện sớm hơn so với kinh nguyệt (11-14 ngày sau khi thụ tinh). Tính chất máu do sự làm tổ của phôi khác với máu kinh thông thường, với màu hồng nhạt hoặc nâu đậm, trong khi máu kinh nguyệt có màu đỏ thẫm. Trong khi đó, lượng máu do sự làm tổ của phôi ít, như chấm xuất huyết âm đạo, và kéo dài khoảng 1-2 ngày, ngắn hơn so với thời gian hành kinh bình thường, (từ 3-7 ngày, trung bình 5 ngày).
Liệu có vấn đề gì không ?
Tần suất xuất hiện của chấm xuất huyết làm tổ xuất hiện ở khoảng 1/3 phụ nữ, và triệu chứng này là sinh lý bình thường, nên không cần can thiệp điều trị. Nếu triệu chứng chấm xuất huyết diễn tiến nhiều hơn, kéo dài ngày, kèm theo đau bụng vùng hạ vị, có thể là những dấu hiệu của một bệnh lý khác, những trường hợp này nên được gặp bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn.
Hình 1: sự khác nhau giữa chấm xuất huyết do phôi làm tổ và kinh nguyệt
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Liên Thi, Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, Nguyễn Thị Thu Lan. Sự phát triển và làm tổ của phôi. Sách Thụ tinh trong ống nghiệm. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh; 2020, trang 105-108