Giới thiệu
Chu kì kinh nguyệt bình thường từ 21 – 35 ngày, nếu trên 35 ngày gọi là kinh thưa, trái ngược với kinh thưa là kinh mau, chu kì kinh dưới 21 ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thay đổi chu kì kinh nguyệt thời kì hôn nhân, có thể đến từ những yếu tố bên ngoài nhưng cũng có thể đến từ các bệnh lý bên trong cơ thể người phụ nữ.
Stress
Những nghiên cứu cho thấy stress tình cảm có thể tạm thời làm biến đổi những hormone ảnh hưởng đến điều hòa kinh nguyệt. Khi bị stress, các hormone ở não bộ được tiết ra như CRH (corticotropin realeasing hormone), endorphins, ACTH (adrenocorticotropic hormone). Và những hormone này ảnh hưởng đến hormone kích thích tiết ra gonadotropin (một trong những hormone giúp điều hòa kinh nguyệt). Do đó, mức độ stress sẽ ảnh hưởng đến mức độ rối loạn kinh nguyệt, một số trường hợp có thể dẫn đến vô kinh (3 chu kì liên tiếp không có kinh hoặc 6 tháng liên tiếp không có kinh). Bước vào một cuộc sống mới với những trách nhiệm mới trong cuộc sống hôn nhân, những kế hoạch, dự định hay va chạm trong cuộc sống gia đình mới có thể làm chu kì kinh nguyệt của người phụ nữ bị rối loạn do các yếu tố stress gây ra. Tuy nhiên, nếu mức độ tress giảm đi, chu kì kinh nguyệt có thể đều trở lại sau vài tháng các hormone stress trở về bình thường.
Thay đổi thói quen trong cuộc sống hằng ngày
Việc thay đổi những thói quen so với thời gian trước hôn nhân, với những nếp sống sinh hoạt mới, chuyển đến nơi ở mới, thực hiện một thời gian biểu mới cũng như chế độ ăn mới sẽ ảnh hưởng đến chu kì kinh nguyệt
Thay đổi cân nặng
Kết hôn có thể là nguy cơ tăng cân ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Nguyên nhân của vấn đề này có thể đến từ thay đổi chế độ ăn hay người phụ nữ cảm thấy “viên mãn” với cuộc sống gia đình, không tốn thời gian và năng lượng để bắt đầu những mối quan hệ khác giới mới. Những nghiên cứu cho thấy phụ nữ thừa cân, béo phì có sự thay đổi một số hormone như tăng testosterone, giảm hormone SHBG (sex horomone binding globulin). Sự rối loạn những hormone này trong cơ thể nữ giới sẽ dẫn đến kinh thưa thậm chí vô kinh. Một nghiên cứu cho thấy tỉ lệ rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ béo phì cao gấp 2.66 lần so với phụ nữ không béo phì, đặc biệt chu kì kinh nguyệt sẽ dài hơn ở những trường hợp béo trung tâm (mỡ tích lũy ở phần thân dưới và khu vực xung quanh bụng với tỉ số vòng eo trên vòng mông – WHR lớn hơn hoặc bằng 0.8)
Sử dụng biện pháp tránh thai
Có nhiều biện pháp tránh thai như viên thuốc nội tiết tránh thai, dụng cụ tử cung, bao cao su… Trong đó thuốc tránh thai, dụng cụ tử cung có chứa nội tiết sinh sản nữ như estrogen, progesterone. Vậy nên khi bắt đầu dùng hoặc khi kết thúc liệu trình dùng các biện pháp tránh thai có chứa nội tiết tố nữ thì chu kì kinh nguyệt có thể bị thay đổi do sự thay đổi của những nội tiết tố nữ.
Có thai
Một trường hợp cũng có thể gây ra rối loạn kinh nguyệt là có thai. Một số trường hợp sẩy thai sớm có thể gây nhầm lẫn với kinh nguyệt vì tình trạng ra huyết âm đạo trùng hoặc muôn hơn so với ngày ra kin. Bên cạnh đó, những trường hợp chấm xuất huyết tiền làm tổ (xuất huyết âm đạo lượng ít khi phôi thai lầm tổ, thường sớm hơn vài ngày so với chu kì kinh) cũng có thể làm cho việc xác định chu kì kinh nguyệt bị sai lệch.
Ngoài ra, còn thế thể nhiều nguyên nhân khác gây rối loạn kinh nguyệt ở người vợ có bệnh lý thực thể trước đó hay mới phát triển trong thời gian hôn nhân như u xơ cơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, bệnh lý tuyến giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, dùng một số loại thuốc…Những nguyên nhân này cần được chẩn đoán nếu có để có hướng xử trí phù hợp
Như vậy, rối loạn kinh nguyệt sau hôn nhân có thể đến từ những yếu tố do môi trường sống bị thay đổi như stress, thay đổi thói quen, chế độ ăn, tăng cân. Việc điều chỉnh những yếu tố này có thể góp phần làm chu kì kinh trở về bình thường. Bên cạnh đó, những nguyên nhân bệnh lý thực thể có thể tồn tại, và cần được xác định để điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- Marc A Fritz, Leon Speroff. Clinical Gynecologic Endocrinology and Infertility, 8ed, chapter 11, pp 485-486.
- Zhang E et al. Relationship between Obesity and Menstrual Disturbances Among Women of Reproductive Age. Heart, 2008, vol98 (2), pp.156.
- Wei S et al. Obesity and Menstrual Irregularity: Associations with SHBG, Testosterone, and Insulin. Obesity, 2019, vol17 (5), pp.1070-1076.
- https://www.healthline.com/health/womens-health/irregular-periods-after-marriage.