Giới thiệu
Trong các trường hợp vô sinh do yếu tố nam giới, vô tinh ( không có tinh trùng trong tinh dịch sau khi quay ly tâm, 2 mẫu khác nhau, cách nhau ít nhất 2 tuần) chiếm khoảng từ 10-15% và 1/3 trong số các trường hợp này liên quan đến yếu tố di truyền. Có nhiều rối loạn di truyền liên quan đến vô tinh như bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn đơn gen, rối loạn nhiều gen, và rối loạn thượng di truyền. Bài viết này sẽ đề cập đến rối loạn di truyền thường gặp ở bệnh nhân vô tinh là vi mất đoạn trên nhiễm sắc thể giới tính Y.
Nguyên nhân di truyền và điều trị
Nhánh dài và nhánh ngắn trên nhiễm sắc thể Y chứa nhiều gen điều hòa quá trình sinh tinh và phát triển của tinh hoàn, đột biến vi mất đoạn trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y (Yq) được biết có liên quan đến vô sinh nam. Đột biến này chiếm khoảng 13% trường hợp vô tinh không do tắc (vô tinh do thất bại sản xuất tinh trùng) và 5% trường hợp thiểu tinh nặng (mật độ tinh trùng bé hơn 5 triệu/ml). Vùng vi mất đoạn này được gọi là yếu tố vô tinh nam (AZF-azoospermia factor). AZF hiện tại được chưa thành 3 nhóm lần lượt là AZFa,AZFb, AZFc, trong đó phổ biến nhất là vi mất đoạn nhiều gen ở vùng AZFc và AZFb.
Biểu hiện lâm sàng của đột biến AZF có thể khác nhau tùy thuộc vào vùng đột biến và số lượng gen đột biến, có thể từ thiểu tinh đến vô tinh. Trong trường hợp vô tinh, nếu điều trị kịp thời, có thể tiến hành phẫu thuật trích tinh trùng để tìm tinh trùng trong mô tinh hoàn . Xác suất phẫu thuật trích tinh trùng có tinh trùng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kích thước tinh hoàn, nồng độ nội tiết, loại đột biến, thời điểm phát hiện. Vì số lượng tinh trùng từ phẫu thuật hạn chế, nên phương pháp tối ưu để hỗ trợ một cặp vợ chồng hiếm muôn có nguyên nhân vô sinh từ nam do đột biến AZF là phẫu thuật trích tinh trùng kết hợp kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Bên cạnh đó,đột biến AZF có thể di truyền cho thế hệ sau (nếu em bé sinh ra là bé trai có bố bị đột biến AZF), nên lựa chọn tối ưu nhất là cần tư vấn di truyền để lựa cho phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp sinh thiết phôi để tìm ra phôi không có đột biến AZF, nhằm giảm tỉ lệ mang đột biến AZF cho thế hệ sau.
Hình 1: Phẫu thuật trích tinh trùng để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm
Hình 2: Qui trình thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp sinh thiết phôi
Tài liệu tham khảo
Karthik Gunasekaran, N Pandiyan. Male infertility: a clinical approach. Springer 2017, p 93-98.