HỘI CHỨNG BUỒNG TRỨNG ĐA NANG VÀ SẨY THAI, SẨY THAI LIÊN TIẾP

Đây là chủ đề mình viết trên tập san Y học sinh sản số 54. Nội dung bên dưới mình rút gọn một số thông tin dành cho những chị có hội chứng buồng trứng đa nang, thừa cân, béo phì với tiền sử sẩy thai, thai sinh hóa.

Giới thiệu

Sẩy thai là tình trạng tự sẩy hoặc được hút ra ngoài khi phôi hoặc thai dưới 500gram, tương đương với tuần 20-22 của thai kì. Sẩy thai là biến chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu của quá trình mang thai, xảy ra khoảng 10-15% trong tổng số thai kì. Sẩy thai liên tiếp được định nghĩa khi sẩy thai từ hai lần trở lên, ảnh hưởng đến 1-2% phụ nữ (ESHRE, 2018). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sẩy thai liên tiếp như bất thường cấu trúc giải phẫu của người mẹ, các vấn đề về gen, nội tiết, miễn dịch, nhiễm trùng và chưa rõ nguyên nhân. Sẩy thai ở những bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) với tần suất khoảng 30-50%, cao gấp 3 lần so với tỉ lệ chung (Lubna Pal và cs., 2014). Rối loạn nội tiết ở những bệnh nhân PCOS có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng tỉ lệ sẩy thai trong thai kì. Bài viết này sẽ đánh giá về sự liên quan của sẩy thai với một số yếu tố rối loạn nội tiết ở hội chứng PCOS như béo phì, tăng insulin máu và đề kháng insulin, tăng nồng độ luteinizing hormone (LH) và tăng androgen máu.

Béo phì

Béo phì có thể là yếu tố ảnh hưởng đôc lập dẫn đến các biến cố bất lợi trong thai kì. Nghiên cứu của Wang và cộng sự cho thấy tỉ lệ sẩy thai sớm giảm đi sau khi kiểm soát yếu tố béo phì ở phụ nữ PCOS. Một nghiên cứu của Lashen và cộng sự trên 1644 bệnh nhân béo phì (BMI> 30 kg/m2) so sánh với 3288 phụ nữ có cân nặng bình thường cho thấy tỉ lê sẩy thai, sẩy thai liên tiếp cao hơn đáng kể ở nhóm phụ nữ béo phì. Phụ nữ bị PCOS có tỉ lệ béo phì cao gấp 2.7 lần sao với phụ nữ không có PCOS do đó tỉ lệ sẩy thai, sẩy thai liên tiếp cao hơn ở nhóm phụ nữ PCOS so với dân số chung. Một nghiên cứu quan sát  trên 270 phụ nữ  với 36 thai kì tại Kuwat cho thấy tỉ lệ trẻ sinh sống là 97,2% với BMI từ 17-24 kg/m2, 63,5% với BMI từ 30-34 kg/m2 và 60% với BMI >35 kg/m2. Với những quan sát ban đầu cho thấy tỉ lệ sẩy thai liên quan độc lập đến tình trạng béo phì, giả thuyết rằng giảm cân có thể mang đến nhiều kết quả tích cực cho phụ nữ PCOS béo phì, tuy nhiên những kết quả nghiên cứu hiện tại vẫn chưa cho thấy kết quả của giảm cân làm giảm tỉ lệ sẩy thai. Một báo cáo tổng quan trên Cochrane, 2011, cho thấy thay đổi lối sống không có hiệu quả ảnh hưởng tốt đến các kết quả thai kì. Thêm vào đó, một tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Damian và công sự cho thấy việc giảm cân làm tăng khả năng có thai, tuy nhiên tỉ lệ sẩy thai không có sự khác biệt giữa nhóm giảm cân và nhóm giữ nguyên cân nặng. Do vậy, cần những nghiên cứu để xác nhận lợi ích của việc giảm cân cho những trường hợp béo phì, đặc biệt là nhóm phụ nữ PCOS.

Tăng insulin máu và đề kháng insulin

PCOS là một hội chứng liên quan đến rối loạn nôi tiết đặc trưng bởi rối loạn cân bằng nhiều hormone trong cơ thể, nổi trội bởi cường androgen bên cạnh đề kháng insulin. Tỉ lệ đề kháng insulin ở phụ nữ PCOS là 64%. Một nghiên cứu của Li và cộng sự trên 107 bệnh nhân có rối tình trạng đề kháng insulin và không đề kháng insulin. Kết quả cho thấy phụ nữ có đề kháng insulin có nguy cơ sẩy thai cao hơn 4.5 lần so với phụ nữ không có tình trạng đề kháng insulin. Tỉ lệ này vẫn cao hơn sau khi kiểm soát những yếu tố nguy cơ có thể kèm theo như chỉ số khối cơ thể (BMI), tuổi. Cơ chế của tăng nồng độ insulin máu và đề kháng insulin gây sẩy thai bao gồm sư vận chuyển dư thừa glucose qua bào thai, biến đổi nồng độ glycodelin, insulin growth factor-binding protein 1 (IGFBP 1), plasminogen activator inhibitor 1 (PAI 1). Glycodelin và IGFBP 1 là những protein chính tại nội mạc tử cung đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nhận của nội mạc tử cung với sự làm tổ và duy trì thai kì. PAI 1 có vai trò trong sự giảm ly giải fibrin, và sự hoạt động quá mức của PAI 1 trong PCOS dẫn đến làm tăng đông máu và các biến cố trong thai kì như sẩy thai, sẩy thai liên tiếp, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tiền sản giật, và thai lưu.

Metformin làm tăng nhạy cảm với insulin tại mô và làm giảm nồng độ insulin máu, do vậy metformin được dùng ở phụ nữ PCOS nhằm giảm tình trạng tăng insulin máu, giảm đề kháng insulin, giảm LH, tăng sản xuất globulin gắn hormone sinh dục (SHBG) và giảm tình trạng cường androgen. Bên cạnh đó, metformin làm giảm sự hoạt động quá mức của PAI 1, làm giảm nguy cơ rối loạn đông máu, do đó giảm các biến chứng trong thai kì, trong đó có sẩy thai. Một tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Xingrong và cộng sự cho thấy có sự giảm đáng kể tỉ lệ sẩy thai sớm ở nhóm được điều trị với metformin. Về những biến chứng như sẩy thai muôn (từ tuần 13 đến 22 tuần 6 ngày), sinh non cũng giảm có ý nghĩa thống kê ở nhóm được điều trị với metformin so với nhóm chứng trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi có nhóm chứng của Tone và cộng sự.

Về thời gian điều trị, metformin có một vài nghiên cứu dừng lúc phát hiện có thai, nhưng phần lớn dùng trong suốt thai kì, với liều dao động 1000-2000 mg/ngày. Một số lo ngại về việc dùng metformin có ảnh hưởng dến quá trình phát triển của thai nhi hay không, thì những nghiên cứu gần đây cho thấy, không có sự khác biệt về tỉ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ có mẹ dùng và không dùng metformin trong thai kì. Thêm vào đó, metformin được cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kì (FDA) phân loại vào nhóm B (nhóm không thấy những dữ liệu cho thấy metformin gây dị tật thai ở động vật)

Điều trị sẩy thai liên tiếp liên quan đến PCOS

Những trường hợp sẩy thai liên tiếp đã loại trừ nguyên nhân đến từ bất thường nhiễm sắc thể, các rối loạn miễn dịch và nội tiết thì cho đến hiện tại, với những chứng cứ khoa học đủ mạnh, metformin là lựa chọn cho những bệnh nhân sẩy thai, sẩy thai liên tiếp liên quan đến PCOS. Giảm cân có thể được cân nhắc tư vấn cho bệnh nhân trước khi mang thai để hạn chế sẩy thai cũng như các biến chứng liên quan đến thừa cân, béo phì khi mang thai

Kết luận

Sẩy thai, sẩy thai liên tiếp có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau. Với tỉ lệ sẩy thai, sẩy thai liên tiếp cao hơn ở nhóm phụ nữ PCOS, có thể liên quan đến những yếu tố đã được chứng minh như béo phì, tăng insulin máu, đề kháng insulin, cường androgen. Metformin có thể là lựa chọn cho những trường hợp sẩy thai, sảy thai liên tiếp liên quan đến PCOS.

Tài liệu tham khảo

  1. Lubna Pal. Polycystic ovarian syndrome: current and emerging concepts. Spinger publishment, 2014, chapter 15, pp. 266-269.
  2. Ruth Bender Atik, Ole Bjarne Christiansen, Janine Elson. ESHRE guideline: recurrent pregnancy loss. Human Reproduction Open, 2018, pp. 1–12.
  3. Damian Best, Alison Avenell, Siladitya Bhattacha. How effective are weight-loss interventions for improving fertility in women and men who are overweight or obese? A systematic review and meta-analysis of the evidence. Human Reproduction Update, 2017, pp. 1–25.
  4. Rammadeep Haur, Kapil Gupta. Endocrine dysfunction and recurrent spontaneous abortion: an overview. International Journal of Applied and Basic Medical Research, 2016, Vol 6, Issue 2.
  5. Xingrong Tan, Shengbing Li, Ying Chang. Effect of metformin treatment during
    pregnancy on women with PCOS: a systematic review and meta-analysis. Clin Invest Med, 2016, vol 38, no 4.

 

 

 

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *