VACCINE COVID-19 VÀ THAI KỲ
Phạm Thị Hồng Hạnh – Võ Văn Cường
Sự phát triển thành công một số loại vaccine có hiệu quả ngừa Covid-19 trong vòng chưa đầy một năm thực sự là kỳ tích của nhân loại. Với những hiệu quả đạt được hiện tại, vaccine Covid-19 là biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa sự phát tán của đại dịch trong cộng đồng dân số chung. Phụ nữ khi mang thai sẽ có khả năng cao biểu hiện bệnh nặng hơn khi nhiễm Covid-19 so với lúc chưa mang thai do hệ thống miễn dịch có phần suy giảm trong thai kì. Mặc dù chứng cứ về độ an toàn của vaacine covid 19 còn hạn chế, tuy nhiên vẫn có bằng chứng cho thấy việc tiêm vaccine covid 19 cần được áp dụng cho phụ nữ mang thai và chuẩn bị mang thai dựa trên sự cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc tiêm ngừa.
Lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19
Giảm tỉ lệ mắc, và các triệu chứng nặng của virus covid-19.
Giảm nguy cơ sinh non đến 3 lần do giảm các biến chứng nặng khi nhiễm virus của thai phụ.
Giảm nguy cơ lây truyền cho các thành viên trong gia đình.
Nghiên cứu của Kathryn J Gray và cộng sự trên Tạp chí sản phụ khoa Hoa kỳ (AJOG), 3/2021 về hiệu quả của việc chủng ngừa vaccine Covid – 19 trong thai kì. Nồng độ kháng thể được tạo ra ở thai phụ tương đương với phụ nữ không mang thai sau khi tiêm vaccine mRNA. Bên cạnh đó, kháng thể được tạo ra có thể bảo vệ cho thai nhi qua nhau thai và sữa mẹ (1).
Cơ chế tạo miễn dịch của vaccine mRNA
Có 3 cách để tạo vaccine, có thể là toàn bộ virus hoặc vi khuẩn, có thể là một phần hoặc chỉ có vật chất di truyền để kích thích cơ thể tạo ra protein chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc virus.
Với cách đầu tiên là toàn bộ vi khuẩn hoặc virus thì có các loại vaacine bất hoạt (inactivated vaccine) và vaccine sống giảm độc lực (live-attenuated vaccine). Những loại vaccine hiện tại như vaccine cúm, vaccine bại liệt được sản xuất theo cách này là vaccine bất hoạt. Vaccine Covid-19 của Sinopharm, từ Trung Quốc được sản xuất theo dạng vaccine bất hoạt. Vaccine sống giảm độc lực (live-attenuated vaccine) bao gồm vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR), vaccine thủy đậu. Tuy nhiên vì là virus sống, chỉ giảm độc lực nên có thể không thích hợp cho những người có suy giảm miễn dịch.
Vaccine từ vector virus với sử dụng một loại virus vô hại (adenovirus) là vector để vận chuyển những thành phần của virus, vi khuẩn nhằm kích thích cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại virus hoặc vi khuẩn đó. Vaccine phòng ngừa Covid-19 Sputnik V của Nga và vaccine Oxford-AstraZeneca được phát triển dưới dạng này.
Dạng vaccine thứ 2, tiểu phần của virus hoặc vi khuẩn như phân tử protein, đường của vi sinh vật để kích thích cơ thể tạo miễn dịch, như các loại vaccine ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm não màng não.
Dạng thứ 3, vật chất di truyền, dùng những vật chất di truyền của vi sinh vật như DNA hoặc RNA để giúp cơ thể tạo miễn dịch. Vaccine Covid-19 của hãng Pfizer-BioNtech và Moderna được sản xuất theo dạng này và là những vaccine phổ biến nên sẽ trình bày sơ qua về cơ chế của loại vaccine RNA:
Đầu tiên, vaccine Covid-19 mRNA có chứa các mRNA hướng dẫn (instructions) được đưa vào cơ thể qua mũi thuốc tiêm bắp. Sau đó, mRNA hướng dẫn đi vào trong tế bào miễn dịch, các tế bào này dùng phần mRNA hướng dẫn để tạo mảnh protein. Sau khi tạo ra mảnh protein, tế bào miễn dịch sẽ phá hủy mRNA hướng dẫn và loại bỏ chúng khỏi tế bào.
Kế tiếp, tế bào miễn dịch biểu hiện mảnh protein đó trên bề mặt tế bào. Hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra protein lạ đó để bắt đầu phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể, giống như những gì đã xảy ra trong nhiễm bệnh tự nhiên chống lại Covid-19.
Vaccine của Pfizer và Moderna đều là vaccine mRNA (messenger RNA) không chứa virus sống gây bệnh Covid-19 và vì vậy không thể truyền bệnh Covid-19 cho người được tiêm. Ngoài ra vaccine mRNA không tương tác với DNA của người hay gây ra các biến đổi gen, vì mRNA không xâm nhập vào nhân tế bào.
Dữ liệu hiện có về tính an toàn của vaccine Covid-19 đối với phụ nữ mang thai
Cho đến hiện tại, có ít dữ liệu đánh giá tính an toàn của vaccine trong thai kỳ. Tuy nhiên, khi mang thai phụ nữ có nguy cơ mắc Covid-19 với triệu chứng nặng hơn so với lúc không mang thai. Do dó, cần cân nhắc giữa lợi ích bảo vệ và những rủi ro tiềm ẩn của vaccine để có thể quyết định tiến hành chủng ngừa cho phụ nữ mang thai, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm SARS-CoV-2 (như nhân viên y tế) hoặc nhóm có bệnh lý nền dễ dẫn đến nhiều biến chứng khi nhiễm virus (2).
Những dữ liệu hiện tại tại Hoa Kỳ với hơn 90000 nghìn phụ nữ mang thai được tiêm vaccine, chủ yếu của Pfizer-BioNtech và Moderna cho thấy chưa có bất kì mối quan tâm về độ an toàn của vaccine được nêu lên. Hay nói cách khác, việc tiêm vaccine hiện tại vẫn an toàn cho phụ nữ mang thai. Ủy ban về tiêm chủng của Anh (JCVI) khuyên rằng phụ nữ mang thai có thể được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNtech và Moderna, còn đối với những loại vaccine khác, cần có những chứng cứ mới hơn để được hướng dẫn có nên tiêm hay không (3).
V-safe là ứng dụng trên điện thoại thông mình nhằm khảo sát những thông tin về sức khỏe sau khi tiêm vaccine tại Hoa Kỳ. Dữ liệu từ V-safe trên nhóm bệnh nhân có thai trước khi tiêm và sau khi tiêm vaccine 30 ngày sẽ được theo dõi về sức khỏe của mẹ, các biến chứng liên quan đến thai kì của mẹ và bé luôn được cập nhật và công bố rộng rãi (3). Với lần phân tích dữ liệu mới nhất trên tạp chí New England Journal of Medicine cho thấy không có sự khác biệt giữa không tiêm vaccine và tiêm vaccine liên quan đến các biến chứng trong thai kì. Nói cách khác, hiện tại với nghiên cứu xuất bản ngày 21/4/2021 trên 35691 thai phụ, vaccine Covid-19 (của hãng Pfizer –BioNtech và Moderna) hiện tại vẫn an toàn cho thai phụ và thai nhi (4).
Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine Covid-19
Tiêm phòng vaccine sẽ bảo vệ cơ thể không bị nhiễm virus Covid-19. Một số người được tiêm vaccine có thể sẽ có một số tác dụng phụ, đó là những dấu hiệu bình thường. Những tác dụng phụ này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hàng ngày, nhưng sẽ nhanh chóng biến mất sau vài ngày. Số còn lại không có tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ phổ biến:
Trên cánh tay nơi được tiêm: đau, mẩn đỏ, sưng tấy. Trong khi, trên các phần còn lại của cơ thể: mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn.
Có báo cáo về hiện tượng đông máu khi tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca, tuy nhiên biến chứng này cực kì hiếm gặp, và cho đến hiện tại, với những lợi ích lớn hơn so với rủi ro, vaccine Covid -19 của Oxford-AstraZeneca vẫn được khuyến cáo dùng tại châu Âu. Đối với những đối tượng có nguy cơ tăng đông máu như phụ nữ mang thai, Ủy ban tiêm chủng châu Âu (JCVI) khuyến cáo có thể dùng loại vaccine khác (như của Pfizer-BioNtech hay Mordena) thay thế cho vaccine của Oxford-AstraZeneca. Còn trong trường hợp đã tiêm một liều Oxford-AstraZeneca có thể cân nhắc tiêm liều thứ hai của Oxford-AstraZneca để có hiệu quả bảo vệ tối ưu, vì cho đến hiện tại, vẫn chưa có báo cáo về trường hợp đông máu ở nhóm phụ nữ mang thai được tiêm vaccine Covid-19 của Oxford-AstraZeneca (6).
Thời gian có thể mang thai sau khi tiêm hoặc chuyển phôi (trong trường hợp IVF)
Với những dữ liệu hiện tại về sự an toàn của vaccine Covid-19 trong thai kì chưa có chống chỉ định với những trường hợp đã có thai hoặc có thai trong vòng 30 ngày sau chủng ngừa. Do đó, không cần tránh thai sau khi tiêm chủng ngừa vaccine Covid-19. Không có bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 ảnh hưởng nào đến khả năng sinh sản. Vì vậy, cho đến hiện tại, có thể tiếp tục việc thực hiện các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản dù có dự định tiêm vaccine hay đã tiêm vaccine Covid-19 (6).
Kết luận
Vaccine Covid 19 đã tạo ra bước ngoặc lớn trong việc đối phó với đại dịch covid 19 bên cạnh các biện pháp chống dịch khác như cách ly xã hội, tăng cường vệ sinh cá nhân. Bên cạnh tính hiệu quả của các loại vaccine đã được công nhận trong dân số chung, thì những nghiên cứu hiện tại đã cho thấy vaccine Covid -19 có hiệu quả và an toàn cho thai phụ và thai nhi. Tuy nhiên, cần những chứng cứ mạnh hơn nữa để có những hướng dẫn cụ thể cho việc sử dụng vaccine Covid 19 trong thai kì, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho thai phụ và thai nhi, cũng như đẩy lùi được đại dịch Covid 19.
Tài liệu tham khảo
- Kathryn G.J et al. Coronavirus disease 2019 vaccine response in pregnant and lactating women: a cohort study. AJOG, 3/2021
- “Pfizer BioNTech COVID-19 vaccine: What you need to know” – Worlth Health Organization (WHO) (20 April 2021)
- “JCVI issues new advice on COVID-19 vaccination for pregnant women” – From Public Health England (Published 16 April 2021)
- “V-safe and Registry Monitoring people who report pregnancy” – Centers for Disease Control and Prevention (CDC) (Updated May 11, 2021)
- “Preliminary findings of mRNA Covid-19 vaccine safety in pregnant persons” – Tom T.Shimabukuro, M.D., Shin Y. Kim, M.P.H., Tanya R. Myers, Ph.D., Pedro L. Moro, M.D., et al., for the CDC v-safe COVID-19 Pregnancy Registry Team. (April 21, 2021)
- https://www.rcog.org.uk/en/guidelines-research-services/coronavirus-covid-19-pregnancy-and-womens-health/covid-19-vaccines-and-pregnancy/covid-19-vaccines-pregnancy-and-breastfeeding/