TINH TRÙNG BẤT ĐỘNG HOÀN TOÀN
 Tinh trùng bất động hoàn toàn là trường hợp hiếm và khá khó trong điều trị vô sinh nam. Số trường hợp thành công trên thế giới theo y văn không nhiều. Cho đến hiện tại, cùng với những tiến bộ trong kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và những bằng chứng mới về điều trị vô sinh do tinh trùng bất động 100% đã dần có những kết quả tích cực.
 Tinh trùng bất động (nhược tinh – asthenozoospermia) là một nguyên nhân phổ biến trong vô sinh nam. Nguyên nhân này đặc trưng bởi giảm hoặc mất khả năng di động của tinh trùng trong mẫu tinh dịch. Tinh trùng bất động hoàn toàn xảy ra với tần suất 1/5000 nam giới. Phần lớn các trường hợp tinh trùng bất động hoàn toàn là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các nguyên nhân có thể xác định được như do bất thường cấu trúc đuôi của tinh trùng do bệnh lý tiêm mao, tinh trùng chết do bởi nhiễm trùng, tác nhân oxy hóa, kháng thể kháng tinh trùng, bất thường sản xuất ATP do rối loạn chuyển hóa, kiêng xuất tinh lâu ngày. Tiền sử của bệnh nhân được khai thác kĩ như nhiễm trùng đường hô hấp trên tái diễn, viêm nhiễm đường sinh dục hay phẫu thuật đường sinh dục, thăm khám để phát hiện các bất thường kèm theo như đảo ngược phủ tạng hay triệu chứng hô hấp trong bệnh lý lông mao.
 Chẩn đoán nên được thực hiện với thời gian kiêng xuất tinh 3 ngày. Thời gian kiêng xuất tinh lâu hơn có thể dẫn đến nhược tinh hoàn toàn ở những trường hợp thiểu tinh. Mẫu tinh dịch nên được kiểm tra lần thứ hai để đưa đến chẩn đoán tinh trùng bất động hoàn toàn. Tinh trùng bất động hoàn toàn được chẩn đoán dựa trên mẫu cặn tinh dịch sau quay ly tâm được kiểm tra kỹ lưỡng với 100% tinh trùng đều bất động. Đối với những trường hợp tinh trùng bất động hoàn toàn cần phân biệt trong nhóm tinh trùng bất động có tinh trùng sống hoặc hoàn toàn là tinh trùng chết (necrozoospermia). Việc xác định tinh trùng sống dựa trên sự toàn vẹn của màng tế bào tinh trùng thông qua các test kiểm tra khi thực hiện tinh dịch đồ.
 Trong một số ít trường hợp, tinh trùng bất động hoàn toàn hoặc chết hoàn toàn có thể được phục hồi như nhiễm trùng đường sinh dục, kháng thể kháng tinh trùng, phơi nhiễm với bao cao su chứa latex hoặc kiêng xuất tinh lâu ngày. Tuy nhiên phần lớn là không tìm ra nguyên nhân hoặc nguyên nhân không thể điều trị được, tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm với kĩ thuật ICSI là lựa chọn duy nhất để hỗ trợ có con.
Trường hợp tinh trùng chết hoàn toàn, nguồn tinh trùng từ tinh hoàn là lựa chọn ưu tiên để thực hiện ICSI. Tuy nhiên, tinh trùng thường mất tính di động ngay sau khi được sinh thiết, và đặc biệt giảm nhiều sau trữ-rã đông, nên thường mẫu sinh thiết tươi thường được ưu tiên ngay ngày chọc hút.
Nguyên nhân chính trong việc sử dụng nguồn tinh trùng từ phẫu thuật thay vì từ mẫu xuất tinh trong nhóm tinh trùng bất động hoàn toàn dựa trên tỷ lệ sống ở nhóm tinh trùng từ tinh hoàn nhiều hơn. Nagy và cộng sự giả thuyết rằng tinh trùng từ mẫu xuất tinh có tỷ lệ chết cao hơn thời gian chết lâu hơn do di chuyển trong đường ống dẫn tinh, mào tinh so với tinh trùng trong tinh hoàn. Ngược lại, tinh trùng không di động trong tinh hoàn có thể do chưa trưởng thành (có thể có tiềm năng di động nếu trưởng thành) và ít chịu tác động của các tác nhân oxy hóa, thời gian dài nằm trong mào tinh nên tỷ lệ sống cao hơn, dẫn đến kết quả hỗ trợ sinh sản khả quan hơn so với nhóm tinh trùng từ mẫu xuất tinh.
 Những nghiên cứu trước đây đều cho thấy tinh trùng từ tinh hoàn có tỷ lệ thai lâm sàng, trẻ sinh sống cao hơn so với tinh trùng từ mẫu xuất tinh ở những trường hợp bất động hoàn toàn (9,10). Tuy nhiên, trong một nghiên cứu hồi cứu trên những bệnh nhân có tình trạng nhược tinh nặng (<1% tinh trùng di động) và không di động không hoàn toàn được tiến hành phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn so với nhóm chứng là tinh trùng từ mẫu xuất tinh ở nhóm bệnh nhân nhược tinh nặng. Kết quả thụ tinh ở nhóm tinh trùng từ tinh hoàn là 52% so với 67%, tuy nhiên không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở tỷ lệ thai lâm sàng trên số phôi chuyển giữa 3 nhóm.
 Trong thực hành lâm sàng, chúng tôi xin đề cập đến trường hợp tinh trùng bất động hoàn toàn, có tinh trùng sống trong mẫu xuất tinh thực hiện làm IVF với kĩ thuật ICSI, trong chu kì đầu làm IVF, bệnh nhân được thực hiện kĩ thuật ICSI với tinh trùng từ mẫu xuất tinh, việc lựa chọn tinh trùng sống theo kĩ thuật dùng tia lazer, tuy nhiên không có phôi (với số noãn trưởng thành là tám). Ở lần thực hiện IVF lần 2, bệnh nhân được tư vấn thực hiện phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn kết hợp IVF, tinh trùng di động được thu hồi khi thực hiện phẫu thuật, kết quả tạo được 5 phôi với lần chuyển đầu tiên có thai lâm sàng được 7 tuần. Do đó, với những chứng cứ hiện có, phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn có thể được cân nhắc lựa chọn trong những trường hợp tinh trùng bất động hoàn toàn hơn là tinh trùng từ mẫu xuất tinh bên cạnh trường hợp tinh trùng chết hoàn toàn.
Tài liệu tham khảo
1. Eliasson R, Mossberg B, Camner P, Afzelius B.A. The Immotile-Cilia Syndrome. N Engl J Med. 1977;297(1):1–6.
2. Ortega C, Verheyen G, Raick D, Camus M, Devroey P, Tournaye H. Absolute asthenozoospermia and ICSI: what are the options? Hum Reprod Update. 2011;17(5):684–92.
3. Lee R, Goldstein M, Ullery B.W, Ehrlich J, Soares M, Razzano R.A, Witkin S.S. Value of serum antisperm antibodies in diagnosing obstructive azoospermia. J Urol. 2009;181(1):264–9.
4. Toumaye H, Liu J, Nagy Z, Verheyen G, Van Steirteghem A, Devroey P. The use of testicular sperm for intracytoplasmic sperm injection in patients with necrozoospermia. Fertil Steril. 1996;66(2):331–4.
5. Verheyen G, Vernaeve V, Van Landuyt L, Tournaye H, Devroey P, Van Steirteghem A. Should diagnostic testicular sperm retrieval followed by cryopreservation for later ICSI be the procedure of choice for all patients with non-obstructive azoospermia? Hum Reprod. 2004;19(12):2822–30.
6. Nagy Z.P, Liu J, Joris H, Verheyen G, Tournaye H, Camus M, Van Steirteghem A.C. The result of intracytoplasmic sperm injection is not related to any of the three basic sperm parameters. Hum Reprod. 1995;10(5):1123–9.
7. Vandamme B, Segal-Bertin G, Lejeune B, Segal L, Schoysman R. Fertilizing ability of immotile spermatozoa after intracytoplasmic sperm injection. Hum Reprod. 1996;11(10):2180–5.
8. Tasdemir I, Vicdan K, Ozgur S, Polat G, Schoysman R. Pregnancies achieved with testicular and ejaculated spermatozoa in combination with intracytoplasmic sperm injection in men with totally or initially immotile spermatozoa in the ejaculate. Hum Reprod. 1996;11(6):1343–6.
9. Al-Malki A.H, Alrabeeah K, Mondou E, Brochu-Lafontaine V, Phillips S, Zini A. Testicular sperm aspiration (TESA) for infertile couples with severe or complete asthenozoospermia. Andrology. 2017;5(2):226–31.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *