VAI TRÒ CỦA BỔ SUNG CANXI TRONG THAI KỲ

Trần Nguyễn Khánh Ly – IVFMD FAMILY

 

Canxi đóng một vai trò trong nhiều chức năng cơ bản của cơ thể, bao gồm lưu thông máu, vận động cơ bắp và giải phóng hormone. Cơ thể không sản xuất canxi, do đó hầu hết mọi người cần bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống và viên uống bổ sung.

Trong thai kỳ, canxi có vai trò quan trọng trong quá trình khoáng hoá xương của thai nhi và ngăn ngừa thai chậm phát triển. Còn đối với người mẹ, canxi góp phần quan trọng trong dự phòng nguy cơ tiền sản giật đặc biệt ở những phụ nữ có nguy cơ cao như tăng huyết áp thai kỳ, béo phì, tiền sử tiền sản giật, đái tháo đường, bệnh lý về thận, bệnh lý miễn dịch, mẹ lớn tuổi, mang thai ở độ tuổi vị thành niên.

Liều lượng canxi phù hợp

Theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bổ sung 1.200 mg calci nguyên tố/ ngày bao gồm từ chế độ ăn hàng ngày và viên uống bổ sung. Đối với sản phụ ở vùng có lượng tiêu thụ canxi thấp trong chế độ ăn ( khoảng 200 – 500 mg/ ngày thì cần bổ sung khoảng 1000 mg canxi nguyên tố/ ngày). Đối với sản phụ có chế độ ăn giàu canxi ( trứng, sữa, cá, thịt,các loại hạt…), với lượng canxi tiêu thụ trong chế độ ăn hàng ngày khoảng 500- 800 mg/ ngày thì cần bổ sung khoảng 500 mg canxi nguyên tố/ ngày theo dạng viên uống là đủ lượng canxi được khuyến cáo bổ sung trong thai kỳ theo WHO.

* Lưu ý: Đối với dự phòng tiền sản giật, bổ sung 1,5-2g canxi nguyên tố trong ngày

 Cách dùng

Nên chia nhỏ liều lượng uống trong ngày ( 2-3 lần/ ngày) để tăng khả năng hấp thu

Thời gian sử dụng canxi hợp lí Nếu kết hợp với viên sắt, nên uống cách viên sắt 2 giờ. Nên sử dụng canxi trước bữa ăn, hoặc sau bữa ăn cách 2 giờ, nhằm tránh ảnh hưởng tới việc hấp thu cùng với lượng sắt có trong bữa ăn.

 Loại canxi phù hợp

Có hai loại được sử dụng phổ biến nhất :

+ Canxi cacbonat: 2,5 g canxi cacbonat chứa 1 g canxi nguyên tố. Ưu điểm giá thành rẻ, hàm lượng canxi nguyên tố cao, tuy nhiên hấp thu kém hơn khi sử dụng trong bữa ăn.

+ Canxi citrat: 4g canxi citrat chứa 1 g canxi nguyên tố. Ưu điểm không bị ảnh hưởng khi sử dụng trong bữa ăn, tuy nhiên giá thành cao và phải sử dụng nhiều viên thuốc hoặc viên thuốc to hơn nên dễ dẫn tới kém tuân thủ trong việc sử dụng thuốc.

Năm 2013 WHO khuyến cáo bổ sung canxi khi thai 20 tuần cho đến hết thai kỳ. Tuy nhiên do còn thiếu các chứng cứ đủ mạnh để xác định chính xác thời điểm bắt đầu bổ sung canxi để đat hiệu quả và giảm các nguy cơ tiền sản giật nên gần đây, WHO không đề cập đến thời điểm bổ sung canxi. Sẽ cần thêm các nghiên cứu trong tương lai để xác định liệu việc sử dụng canxi trước và trong giai đoạn sớm của thai kỳ có thể giúp giảm các bất lợi như tiền sản giật hay không. Còn trong giai đoạn này, WHO cho rằng các cơ sở y tế, tùy điều kiện của mình, có thể bắt đầu bổ sung canxi tại lần khám thai đầu tiên. Lý tưởng nhất là phải kiểm tra đánh giá lượng canxi trong khẩu phần ăn của riêng mỗi vùng dân cư và nồng độ canxi của mỗi thai phụ trước khi tiến hành can thiệt, từ đó giúp can thiệp đúng vào nhóm thai phụ thiếu hụt.

*Giải đáp một số hiểu lầm về việc sử dụng canxi trong thai kỳ :
– Sử dụng canxi có tăng nguy cơ vôi hóa bánh nhau hay không?

=> Trả lời: Không. Việc vôi hóa bánh nhau không liên quan đến hàm lượng canxi bổ sung hàng ngày.

– Bị một số bệnh lý về sỏi thận hoặc yếu tố nguy cơ về sỏi thận thì không được dùng canxi có đúng hay không?

=> Trả Lời : Không. Liều lượng canxi bổ sung trong thai kỳ có thể lên đến 3000 mg canxi nguyên tố mà không tăng nguy cơ sỏi thận ở những sản phụ có yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên cần được thăm khám bởi bác sỹ chuyên khoa để được khảo sát các bệnh lý về đường tiết niệu trong thai kỳ.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Guideline: Calcium Supplementation in pregnant – World Health Organization 2013.
  2. Bùi Quang Trung và cộng sự. ” vai trò của canxi trong dự phòng tiền sản giật: Những thách thức trong thực hành lâm sàng”. Số đặc biệt của Tạp chí Phụ Sản” Sản Phụ Khoa từ bằng chứng đến thực hành- 11″. 2021; 65-74.)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *