CAN THIỆP Ở TRƯỜNG HỢP THẤT BẠI LÀM TỔ NHIỀU LẦN
Can thiệp tại tử cung và vòi trứng
U xơ cơ tử cung (UXCTC) có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi, đặc biệt trường hợp UXCTC dưới niêm mạc. Đối với UXCTC trong cơ, cần cân nhắc phẫu thuật nếu kích thước lớn hơn 3-4 cm, còn UXCTC dưới thanh mạc không ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi. Đối với tử cung dạng adenomyosis, GnRH agonist trong 3 tháng trước khi chuyển phôi trữ có thể cải thiện được tỉ lệ làm tổ. Polyp buồng tử cung và ứ dịch tai vòi nên phẫu thuật trước khi điều trị IVF hoặc trước khi chuyển phôi trữ. Trong khi đó, viêm nội mạc tử cung hay dính buồng tử cung được phát hiện khi nội soi buồng tử cung nên được điều trị triệt để trước khi chuyển phôi để làm tăng tỉ lệ làm tổ cũng như tỉ lệ có thai ở những trường hợp thất bại làm tổ nhiều lần (RIF – recurrent implantation failure) [1].
Can thiệp trên phôi
Những can thiệp khi nuôi cấy phôi có thể làm tăng tỉ lệ làm tổ ở những trường hợp RIF. Chuyển phôi giai đoạn phôi nang là tăng tỉ lệ làm tổ so với phôi giai đoạn phân chia ở bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần [2]. Trong khi hiện tại không có bằng chứng về môi trường nuôi cấy giàu Hyaluronic acid có giúp cải thiện khả năng làm tổ của phôi [3], mặc dù có nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thai lâm sàng có cải thiện ở những trường hợp thất bại chuyển phôi từ 3 lần trở lên [4]. Tầm soát phôi lệch bội ở những trường hợp RIF làm tăng tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ có thai [5]. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tầm soát xét nghiệm tiền làm tổ (PGT – preimplantation genetic testing) không có phôi lệch bội hay bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể, cân nhắc tăng số phôi chuyển trong một lần chuyển hoặc chuyển 2 phôi hỗn hợp cùng lúc (một phôi gia đoạn phân chia và một phôi giai đoạn phôi nang) để tăng khả năng làm tổ [6].
Can thiệp miễn dịch
Những bất thường về hệ thống miễn dịch có thể dẫn đến sự thất bại làm tổ của phôi, Những phương pháp điều trị hướng đến hệ thống miễn dịch như liệu pháp corticosteroid, IVIG, TNF α inhibitors, intralipid đã cho thấy hiệu quả ở một số bệnh nhân RIF, tuy nhiên cần những nghiên cứu ngẫu nhiên với cỡ mẫu lớn hơn để chứng minh tính hiệu quả của các phương pháp điều trị liên quan đến hệ thống miễn dịch để tăng tỉ lệ làm tổ của phôi ở những trường hợp RIF [7].
Can thiệp bệnh lý toàn thân
Những bệnh lý nội tiết trong cơ thể người mẹ có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi. Suy giáp dưới lâm sàng, thiếu hụt vitamin D, đề kháng insulin ở những trường hợp đái tháo đường hay hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây nên RIF. Do đó, khảo sát và điều chỉnh các rối loạn nội tiết có thể góp phần trong việc tìm nguyên nhân và điều trị bệnh nhân có thất bại làm tổ nhiều lần [8].
Tài liệu tham khảo
- Dimitra A, Eleni T, Grigoris F, Grimbizis. Acquired uterine conditions, reproductive surgery, and recurrent implantation failure 55. In: Recurrent Implantation Failure. CRC Press; 2020. p. 65–6.
- Barrenexea G, Delaruzzelae A, Ganzabal T, Jimenez R, Carbonero K, Mandiola M. Blastocyst culture after repeated failure of cleavage-stage embryo transfers: A comparison of day 5 and day 6 transfers. Fertil Steril. 2005;83(1):49–53.
- Yung S.S.F, Lai S.F, Lam M.T, Lui E.M.W, Ko J.K.Y, Li, H.W.R, Ng E.H.Y. Hyaluronic acid–enriched transfer medium for frozen embryo transfer: a randomized, double-blind, controlled trial. Fertil Steril. 2021;116(4):1001–9.
- Fu W, Yu M, Zhang X.J. Effect of hyaluronic acid-enriched transfer medium on frozen-thawed embryo transfer outcomes. Ournal Obstet Gynaecol Res. 2018;44(4):747–55.
- Fragouli E, Katz-Jaffe M, Alfarawati S, Stevens J, Colls P, Goodall N, Wells D. Comprehensive chromosome screening of polar bodies and blastocysts from couples experiencing repeated implantation failure. Fertil Steril. 2010;94(3):875–87.
- Stamenov G.S, Parvanov D.A, Chaushev T.A. Mixed double-embryo transfer: A promising approach for patients with repeated implantation failure. Clin Exp Reprod Med. 2017;44(2):105.
- Ari K, Wael S, Nayoung S, Joanne K. Immunological causes of recurrent implantation failure: Comprehensive insights into mechanisms and therapeutic approaches 42. In: Recurrent Implantation Failure. CRC Press; 2020. p. 50.
- Gesthimani M, Dimitrios G.G. Endocrine causes of recurrent implantation failure. In: Recurrent Implantation Failure. CRC Press; 2020. p. 31.