SỐT XUẤT HUYẾT VÀ THAI KỲ
Dược sỹ: Phạm Thị Hồng Hạnh
Sốt xuất huyết là gì? Tình hình sốt xuất huyết ở Việt Nam và trên thế giới:
Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu, trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Bệnh có biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt cấp diễn, kèm theo xuất huyết ở da hoặc niêm mạc và giảm tiểu cầu ở trong máu. Bệnh sốt xuất huyết lây lan qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong vòng 50 năm qua trên toàn cầu. Ước tính có tới 50-100 triệu ca nhiễm trùng xảy ra hàng năm ở hơn 100 quốc gia có diễn biến bệnh, khiến gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh. Tình hình lây nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam không ổn định nhưng đạt cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trên 100.000 dân tăng từ 120 người năm 2009 (105.370 trường hợp) lên 194 trường hợp năm 2017 (184.000 trường hợp). Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết /sốt xuất huyết nặng, nhưng việc phát hiện sớm và tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thích hợp giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%. Một phụ nữ mang thai đã bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết có thể truyền vi-rút sang thai nhi trong khi mang thai hoặc trong khoảng thời gian sắp sinh. Sốt xuất huyết có thể có những tác hại, bao gồm tử vong thai nhi, trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.
Dấu hiệu và triệu chứng
Sốt cao (40 độ C)
Đau mắt
Đau đầu dữ dội
Đau cơ và khớp
Buồn nôn và nôn
Phát ban
Các biến chứng
Thoát huyết tương
Suy hô hấp
Chảy máu nặng và giảm tiểu cầu
Suy đa tạng
Dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng:
Hạ thân nhiệt
Nôn mửa liên tục, có máu trong chất nôn
Chảy máu nướu răng, mệt mỏi
Sốt xuất huyết và những ảnh hưởng trong thai kỳ:
Trong nhiều thập kỷ gần đây, nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết trong thai kỳ đã được báo cáo. Biểu hiện lâm sàng và cách điều trị tương tự như ở phụ nữ không mang thai, tuy nhiên vẫn có một số khác biệt đáng chú ý. Việc chẩn đoán và điều trị còn gặp nhiều khó khăn do một số đặc điểm lâm sàng và/hoặc xét nghiệm trùng lặp với các nguyên nhân sản khoa khác nhau như tiền sản giật, sản giật, và hôi chứng HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu) ở thai phụ, viêm phổi, thuyên tắc phổi, chảy máu âm đạo và các bệnh truyền nhiễm khác.
Những dữ liệu đưa ra có thể chứng minh sốt xuất huyết có thể gây ra các kết quả bất lợi cho thai phụ như sinh non, nhẹ cân. Một nghiên cứu hồi cứu của Friedman và cộng sự được công bố vào năm 2014 bao gồm 86 trẻ sơ sinh tiếp xúc với mẹ mắc bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng trẻ nhẹ cân.
Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con (vertical transmission) được xác định rõ ở những phụ nữ mắc bệnh sốt xuất huyết trong thời kỳ chu sinh.
Xuất huyết nặng có thể ảnh hưởng trong quá trình sinh và/hoặc các thủ thuật, phẫu thuật được thực hiện trên bệnh nhân sốt xuất huyết mang thai trong các giai đoạn quan trọng.
Xử trí sốt xuất huyết trong thai kỳ
Thai phụ nên nhập viện sớm để theo dõi chặt chẽ, đặc biệt đối với phụ nữ gần sinh, đủ tháng và chuyển dạ.
Những thách thức trong việc nhận biết bệnh Dengue và triệu chứng của các nguyên nhân khác
Các triệu chứng nôn trong ba tháng đầu của thai kỳ giống với các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết nặng, điều này có thể làm chậm quá trình nhận biết.
Ở ba tháng cuối thai kỳ, có thể nhận thấy sự gia tăng thể tích máu tuần hoàn kèm theo tình trạng giãn mạch toàn thân, dẫn đến tăng nhịp tim cơ bản và huyết áp cơ bản cũng thấp hơn, cũng như Hematocrit cơ bản thấp hơn. Điều này có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán nên các bác sĩ lâm sàng cần cảnh giác:
- Hạ huyết áp và nhịp tim nhanh của thai kỳ bình thường có thể bị hiểu nhầm là sốc hạ huyết áp.
- Cần lưu ý Hematocrit cơ bản thấp hơn sau ba tháng cuối thai kỳ.
- Các dấu hiệu lâm sàng của thoát huyết tương như tràn dịch màng phổi và cổ trướng.
Những thách thức trong việc giám sát và quản lý
Quan sát, theo dõi chặt chẽ, điều trị kịp thời, đầy đủ và thích hợp trong các giai đoạn trước, trong và sau sinh khi cần thiết.
Nếu không nhận biết sớm tình trạng thoát huyết tương và/hoặc sốc sẽ dẫn đến sốc kéo dài và cuối cùng là chảy máu ồ ạt và suy đa tạng.
Không có sự khác biệt trong điều trị liệu pháp truyền dịch tĩnh mạch so với phụ nữ không mang thai.
Nhịp tim cơ bản tăng lên và huyết áp cơ bản thấp hơn là những thay đổi sinh lý bình thường vào cuối thai kỳ.
Nếu xảy ra trường hợp xuất huyết nặng, cần nhanh chóng thay thế bằng truyền máu tươi toàn phần hoặc hồng cầu tươi.
Truyền tiểu cầu dự phòng không được khuyến cáo trừ khi có chỉ định sản khoa.
Thuốc hoãn chuyển dạ được xem xét trong giai đoạn nghiêm trọng của sốt xuất huyết. Tuy nhiên, hiện tại thiếu bằng chứng lâm sàng về thực hành này.
Trường hợp chuyển dạ trong giai đoạn nghiêm trọng:
Nếu không thể tránh khỏi việc chuyển dạ, cần dự đoán trước và theo dõi chặt chẽ tình trạng xuất huyết.
Máu và các chế phẩm máu cần được chuẩn bị.
Nên bắt đầu truyền các chất cô đặc tiểu cầu trong lúc sinh nhưng không được quá xa mốc thời gian này vì số lượng tiểu cầu được truyền chỉ duy trì trong vài giờ ở giai đoạn quan trọng.
Truyền máu tươi toàn phần/hồng cầu tươi nên được thực hiện càng sớm càng tốt nếu xảy ra xuất huyết nghiêm trọng.
Nên bắt đầu truyền Ergotamine và hoặc Oxytocin theo thực hành sản khoa tiêu chuẩn để làm co tử cung sau khi sinh nhằm ngăn ngừa băng huyết sau sinh.
Trẻ sơ sinh có mẹ bị sốt xuất huyết ngay trước hoặc khi sinh cần được theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện sau khi sinh vì nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
Ngăn ngừa và kiểm soát
Ngăn muỗi tiếp cận đẻ trứng ở môi trường sống
Xử lý chất thải rắn đúng cách
Áp dụng các loại thuốc diệt côn trùng thích hợp
Sử dụng các vật liệu bảo vệ cá nhân như màn cửa sổ, quần áo dài tay, vật liệu khử trùng, cuộn dây và thiết bị xông hơi
Phun thuốc diệt côn trùng
Phát hiện và quản lý bệnh sốt xuất huyết trên lâm sàng
Kết luận
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm vi rút với nhiều biến chứng khác nhau, đặc biệt nghiêm trọng hơn lúc mang thai. Khi bị sốt xuất huyết trong thai kì cần nhập viện để theo dõi, điều trị để hạn chế những biến chứng cũng như can thiệp kịp thời, nhằm bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
Tài liệu tham khảo:
- Dengue in Viet Nam – WHO
- Handbook of clinical management of Dengue – WHO
- Dengue guidelines for diagnosis, treatment, prevention and control – WHO
- Infections in pregnancy – an evidence-based approach – Cambridge
- Dengue during pregnancy – CDC Hoa Kỳ
- Dengue during pregnancy and live birth outcomes: a cohort of linked data from Brazil – BMJ Open
- Maternal and fetal outcomes of dengue fever in pregnancy: a large prospective and descriptive observational study – Archives of Gynecology and Obstetrics
- Quyết định 3705/QĐ-BYT quyết định về việc ban hàng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue – 22/08/2019.